Ngôi nhà Panorama ở Mã Pì Lèng: Công trình nhỏ nhưng bài học lớn

(Xây dựng) – Những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm với công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Từ chuyện Sở Xây dựng Hà Giang tham mưu cho UBND tỉnh phá dỡ cho đến văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh cải tạo cho phù hợp… rất nhiều ý kiến trái chiều. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng – Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam về vấn đề này.


PV: Thưa ông, những ngày qua dư luận rất quan tâm về công trình Panorama ở đèo Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang. Ở góc độ người làm nghề kiến trúc, ông đánh giá như thế nào về công trình này?

KTS Phạm Thanh Tùng: Có thể có nhiều người chưa hình dung, Mã Pì Lèng là một đoạn đèo dài chừng 15 cây số và có đỉnh cao nhất thì hiện nay chúng ta đã san đi một phần để dựng tượng đài tưởng niệm những người đã cống hiến tuổi xuân của mình để xây dựng cung đường Hạnh Phúc. Do vị trí tượng đài nằm ở nơi khuất nên người ta không để ý. Nhưng thực ra mà nói, đây là công trình đầu tiên góp phần làm ảnh hưởng tới cảnh quan thiên nhiên của Mã Pì Lèng.

Với công trình Panorama, ngoài vấn đề pháp lý đã rõ (công trình xây dựng chưa đủ giấy phép, chưa có được sự thỏa thuận của các cấp chính quyền…), tuy nó không nằm trong khu vực lõi của di sản, nhưng theo luật thì nó cũng phải được ý kiến của các cấp, các ngành quản lý văn hóa… Ở đây, tôi nói tới một khía cạnh khác, khía cạnh rất nghề nghiệp. Tôi đặt một câu hỏi: Nhìn vào công trình Panorama này, cái mà người ta đang gọi nó là một cục bê tông hay là một “cái răng sâu” ở đèo Mã Pì Lèng, thì đây là công trình có kiến trúc, có thiết kế.


KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Vì không có thiết kế thì một nhà đầu tư đơn lẻ rất khó làm được và thậm chí không thể làm được, bởi công trình nằm ở vị trí rất khó khăn cho thi công. Với công trình này, người thiết kế đã giật nhiều cấp, hình tượng ruộng bậc thang miền núi đã được đưa vào đây, nghĩa là tác giả đã có tư tưởng đưa bản sắc văn hóa bản địa vào công trình của mình.

Và thực tế công trình này đã thỏa mãn được nhu cầu “nhìn” của du khách, có vị trí để mà ngắm, mà nhìn theo tầng lớp, người ở tầng trên không bị ảnh hưởng tầm nhìn bởi người ở tầng dưới, phần dưới cùng là phần đế thì họ đã biến thành nhà kho. Rõ ràng ở đây thiết kế có chủ đích, có nghiên cứu.

PV: Nhưng rõ ràng là khi xảy ra “sự cố dư luận” trên thì chỉ có chủ đầu tư đơn độc lên tiếng?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi thấy có điều rất tiếc là: Ai đã thiết kế công trình này? Tại sao người thiết kế không lộ diện? Bởi vì nếu là một tác giả thì anh phải coi công trình đó là tác phẩm, là đứa “con đẻ” của mình và không ai nỡ bỏ đứa con của mình. Tôi rất muốn tác giả dũng cảm lên tiếng, dù anh là ai, nhưng anh đã thiết kế và nếu anh là KTS thì anh càng phải lên tiếng. Vì đó là đạo đức nghề nghiệp, là danh dự của người làm nghề. Đó cũng là trách nhiệm của KTS không chỉ với công trình mà còn với cộng đồng, với xã hội.

Chúng ta thấy, mỗi lần duyệt công trình, KTS phải thuyết trình, phải nói được ý đồ của mình, tư tưởng của mình. Còn nói về đẹp hay không đẹp, tôi cho rằng không nên bàn đến, bởi vì quan niệm về cái đẹp của mỗi người một khác. Trong một chừng mực nào đó, kiến trúc cũng như là thời trang! Nhưng dù thời trang, thì nó cũng phải phù hợp với địa điểm, nơi sinh ra nó. Còn nói công trình này phá nát cảnh quan thì đó là cách nói khiên cưỡng. Bản thân việc hài hòa với cảnh quan khu vực, thì cũng phải định nghĩa cho rõ thế nào là hài hòa? Ở đây không thể nói hài hòa chung chung được.

Nhân công trình Panorama ở Mã Pì Lèng, tôi nghĩ rằng Luật Kiến trúc mà Quốc hội vừa thông qua vô cùng quan trọng, trong đó ngoài vấn đề quản lý kiến trúc của các cấp ngành được làm rất rõ, thì trách nhiệm của KTS, tư cách hành nghề, đạo đức nghề nghiệp của KTS cũng được chỉ rõ trong Luật. Từ một công trình Panorama đã hiện diện rất rõ nhiều vấn đề của Luật Kiến trúc, từ quản lý kiến trúc cho đến hành nghề kiến trúc. Có thể lấy Panorama của Mã Pì Lèng làm ví dụ sinh động trong việc thực hiện Luật Kiến trúc, để thấy rằng, sự cần thiết phải có Luật này.

Tôi hy vọng khi Luật Kiến trúc có hiệu lực (01/7/2020) cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý ngành Xây dựng, trách nhiệm của KTS được nâng cao, nhất là đạo đức hành nghề. Những công trình như Panorama sẽ không còn đơn độc nữa, những chủ đầu tư cũng không phải đơn độc nữa, mà bên cạnh họ còn có người sinh ra tác phẩm – tức là KTS – cùng với họ dám chịu trách nhiệm, biết chia sẻ và cùng đối thoại với công luận.

Hiện nay, có hiện tượng là công trình được xây lên, nhưng rồi khi có sự cố, người thiết kế không thấy đâu, chỉ thấy chủ đầu tư một mình đơn độc đối thoại với công luận một cách bất lực vì họ không có chuyên môn, không lý giải thấu đáo được.

PV: Một công trình xây dựng 7 tầng bên cạnh cung đường đông người qua lại, rõ ràng các cơ quan chức năng về quản lý xây dựng không thể không biết, nhưng lại đổ tội hết cho chủ đầu tư. Ông nghĩ gì về việc này?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi cho đấy là sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở địa phương. Công trình được xây dựng theo chủ trương của huyện Mèo Vạc, được thi công giữa thanh thiên bạch nhật, công khai, thậm chí là còn được ưu ái kéo đường dây điện để chủ đầu tư thi công thuận lợi. Vậy mà nói Sở Xây dựng Hà Giang không biết thì buồn cười (?!).

Cấp huyện thì suy nghĩ đơn giản, khi cho rằng đây là khu vực nông thôn miền núi, thấy chuyên gia di sản (người nước ngoài) khuyến cáo làm trạm nghỉ, thì kêu gọi làm. Còn trạm nghỉ như thế nào thì tôi tin rằng huyện cũng chưa ra được đầu bài. Nếu ra được đầu bài thì phải công khai trạm nghỉ đó có những cái gì? Quy mô như thế nào? Được làm như thế nào? Đấy là nhiệm vụ thiết kế. Vậy công trình này có nhiệm vụ thiết kế không, chưa nói đến hồ sơ?

Rõ ràng đây là sự buông lỏng quản lý, sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và ban ngành chức năng. Để đến hôm nay, khi dư luận lên tiếng thì ngồi họp lại bàn cách giải quyết. Chúng ta vô cảm trước di sản, vô cảm trước công sức lao động và tiền bạc của người dân, vô cảm trước tình cảm của chủ đầu tư trước chủ trương của huyện. Nếu không bật đèn xanh thì chắc gì chủ đầu tư đã dám làm?

Chúng ta hay có thói quen cứ để xây lên, rồi công trình có vi phạm gì thì cứ đổ cho chủ đầu tư. Kiểu làm đó không thể chấp nhận được! Hầu hết chủ đầu tư rất sợ pháp luật. Không ai dám nhờn với pháp luật. Họ chỉ nhờn với chính quyền khi chính quyền tạo điều kiện cho họ vi phạm thôi!

Qua đây ta thấy, chỉ một công trình Panorama đã cho chúng ta thấy sinh động rất nhiều vấn đề, từ quản lý di sản, bảo tồn và phát triển, quản lý xây dựng, thực thi pháp luật và nhiều vấn đề khác nữa như trách nhiệm, đạo đức hành nghề của KTS.

PV: Vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến với lãnh đạo tỉnh Hà Giang nên giữ lại công trình này để cải tạo cho phù hợp. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây không phải là tháo dỡ công trình. Chúng ta không tạo ra áp lực, vì đấy là tiền của dân và ai dám đảm bảo tháo dỡ công trình này an toàn? Vậy thì có nhiều cách hành xử, và lúc này cần sự vào cuộc của KTS. Để tạo được một công trình làm điểm dừng chân ở đây, thì kiến trúc phải góp phần tôn vinh di sản, thân thiện với cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đó phải nương vào cảnh quan chứ không lấn át cảnh quan.

Với Ponorama nó chưa làm được, bởi tác giả chưa nghiên cứu kỹ, chưa có phương án tốt. Nếu cải tạo lại công trình này, đặc biệt là kiến trúc phần nổi, thì không vấn đề gì, qua đó sẽ rút kinh nghiệm cho những trạm nghỉ sau.

PV: Vậy theo ý kiến cá nhân ông, nên cải tạo như thế nào?

KTS Phạm Thanh Tùng: Việc đặt một công trình như Panorama ở Mã Pì Lèng theo tôi không sao, chỉ có điều là công trình hơi thô. Nếu như có sự đầu tư kỹ hơn, tác giả tìm được ngôn ngữ kiến trúc nhẹ nhàng hơn và thân thiện hơn. Ngày nay chúng ta có rất nhiều cách để làm, để xử lý.

Chúng ta cũng phải nhìn lại rõ quan điểm trạm dừng chân, trạm nghỉ là như thế nào? Tôi cho không phải là việc san đi một khoảng đất, đá rồi đổ bê tông, làm hàng lan can để cho mọi người đứng ở đấy ngắm cảnh. Vậy người đứng ngắm cảnh ở đấy thì ôtô, xe máy để đâu? Họ muốn đi vệ sinh ở đâu? Họ muốn uống nước ở đâu?

Phải hiểu, hiện nay văn hóa ứng xử nơi công cộng của chúng ta không phải đã là tốt, huống hồ đây là nơi đường đèo heo hút. Ai có thể đảm bảo rằng ở đây không có những cuộc khỏa thân? Ai có thể đảm bảo rằng người ta chỉ đứng đấy ngắm cảnh xong rồi đi tiếp? Hoặc người ta dừng lại, ngắm và ăn rồi vứt rác bừa bãi?

Vì vậy, đã đến lúc chính quyền tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc… phải có quy hoạch tổng thể cả cung đường Hạnh Phúc, trong đó có cung đèo Mã Pì Lèng. Bởi vì cả cung đường có nhiều chỗ rất đẹp, chứ không riêng gì Mã Pì Lèng. Chúng ta phải đặt vấn đề như vậy, để có cái nhìn khách quan hơn, chuyên môn hơn và đó cũng là để phát triển bền vững. Nếu không, mọi người lại lo nay họ làm thế này, ngày mai biết đâu cạnh đấy lại xuất hiện công trình tương tự.

Và một điều nữa là chúng ta phải rất bình tĩnh trước vấn đề bảo tồn và phát huy di sản. Chúng ta bảo vệ giữ gìn nó, nhưng cũng phải phát triển nó, để làm sao con người sống được với di sản. Những người dân ở đây không phải là người canh di sản, họ bảo vệ di sản, nhưng phải phát triển để họ sống được. Nhưng bảo vệ như thế nào, phát triển như thế nào là trách nhiệm của chính quyền, trách nhiệm của các nhà chuyên môn, cụ thể là KTS và các nhà quy hoạch.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *